Tổng hợp 05 công văn hướng dẫn xử lý hoá đơn sai sót mới nhất


1. 05 công văn hướng dẫn xử lý hoá đơn sai sót
(1) Công văn 70779/CTHN-TTHT ngày 02/10/2023 của Cục thuế Hà Nội 2023 hướng dẫn về hóa đơn
“Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn giao cho người mua bao gồm cả trường hợp xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Doanh nghiệp kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định tại Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.”

(2) Công văn 63648/CTHN-TTHT ngày 30/08/2023 của Cục thuế TP. Hà Nội xử lý hóa đơn có sai sót
“Trường hợp Công ty cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP , sau ngày 31/12/2022 phát hiện có sai sót phải lập hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế mà không ảnh hưởng tới tiền hàng và thuế GTGT phải nộp hoặc điều chỉnh giá tính thuế thì hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế áp dụng thuế suất thuế GTGT 8%. Trường hợp sai sót về số lượng hàng hóa dẫn đến sai sót về tiền hàng và thuế GTGT thì hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế áp dụng thuế suất thuế GTGT theo quy định tại thời điểm lập hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế theo hướng dẫn tại Công văn số 2121/TCT-CS ngày 29/5/2023 của Tổng cục Thuế.”

(3) Công văn 52405/CTHN-TTHT ngày 19/07/2023 của Cục thuế Hà Nội về việc xử lý hóa đơn điện tử có sai sót
“Trường hợp Công ty tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, phát sinh hoạt động xây dựng, lắp đặt đang áp dụng mức thuế suất GTGT 10% và không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ quy định tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ thì được áp dụng mức thuế suất GTGT 8% từ ngày 01/02/2022 đến ngày 31/12/2022 theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 và Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Trường hợp Công ty phát sinh hoạt động xây dựng, lắp đặt đang áp dụng mức thuế suất GTGT 10% và được giảm thuế GTGT theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP nhung Công ty đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT chưa được giảm theo Nghị định này thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có) theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP , Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP .”

(4) Công văn 1647/TCT-CS ngày 08/07/2023 của Tổng cục Thuế về việc xử lý hóa đơn điện tử có sai sót
“- Trong trường hợp người bán lựa chọn hình thức xử lý hoá đơn đã lập bằng cách lập hóa đơn điều chỉnh thì người bán thực hiện điều chỉnh giảm toàn bộ thông tin dòng hàng hóa bị sai và điều chỉnh tăng tương ứng dòng hàng hóa đúng (bao gồm: tên hàng hóa dịch vụ, đơn vị tính, số lượng, đơn giá, thuế suất, thành tiền chưa thuế).

- Trong trường hợp người bán lựa chọn hình thức xử lý hoá đơn đã lập bằng cách lập hóa đơn thay thế thì người bán lập lại hóa đơn mới với số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu hóa đơn và đầy đủ toàn bộ nội dung của hóa đơn cần thay thế.

Đối với cả 2 trường hợp nêu trên, hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế đều cần ghi thông tin: “Điều chỉnh/thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu... số... ngày… tháng… năm...” và trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu.

- Trường hợp doanh nghiệp lập hóa đơn điện tử bị sai (gọi là hóa đơn F0), sau đó doanh nghiệp lập hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế (gọi là hóa đơn F1 điều chỉnh/thay thế cho hóa đơn F0) và phát hiện hóa đơn F1 vẫn bị sai thì:

+ Nếu lựa chọn phương pháp điều chỉnh: Doanh nghiệp lập hóa đơn F2 điều chỉnh cho hóa đơn F0 (lúc này hóa đơn F0 đã bị điều chỉnh bởi hóa đơn F1).

+ Nếu lựa chọn phương pháp thay thế: Doanh nghiệp lập hóa đơn F2 thay thế cho hóa đơn F1 (lúc này hóa đơn F0 đã bị thay thế bởi hóa đơn F1).

- Đối với hóa đơn đã lập theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính có sai sót, doanh nghiệp lập hóa đơn thay thế theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính thì thống nhất ý kiến của Cục thuế về việc doanh nghiệp không phải hủy hóa đơn đã lập theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, không phải gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn vì từ ngày 1/7/2022, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ và Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính, các Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-BTC đã hết hiệu lực thi hành. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu 04/SS-HĐĐT ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.”

(5) Công văn 40217/CTHN-TTHT ban hành ngày 16/8/2022 Cục thuế Hà Nội về xử lý hóa đơn sai sót
“Trường hợp Công ty sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, có thực hiện lập hóa đơn điện tử, đã gửi cho người mua, sau đó phát hiện có sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn (đơn giá hàng hóa, dịch vụ) và lựa chọn lập hóa đơn điện tử điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót; hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... ngày... tháng... năm” theo hướng dẫn tại điểm b1 Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì không phải gửi Mẫu số 04/SS-HĐĐT tại Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP đến cơ quan thuế.”

2. Hướng dẫn gửi mẫu 04/SS-HĐĐT cho cơ quan thuế khi hóa đơn có sai sót
Tại Công văn 1647/TCT-CS năm 2023 có hướng dẫn cách xử lý hóa đơn điện tử đã lập có sai sót như sau:

“- Về việc gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT:

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Trường hợp doanh nghiệp thực hiện xử lý hóa đơn có sai sót theo quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và khoản 6 Điều 12 Thông tư số 78/2021/TT-BTC thì doanh nghiệp gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế.

Trường hợp xử lý hóa đơn có sai sót theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì người nộp thuế không phải gửi thông báo sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế.”

Như vậy, gửi mẫu 04/SS-HĐĐT cho cơ quan thuế khi hóa đơn có sai sót như sau:

- Doanh nghiệp phải gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế trong trường hợp:

+ Hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót;

+ Sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót (trừ trường hợp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế có sai sót chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế).

- Người nộp thuế không phải gửi thông báo sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế trong trường hợp:

+ Phải điều chỉnh hoặc thay thế hóa đơn điện tử đã lập khi sai mã số thuế; 

+ Sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng.

Nguồn: thuvienphapluat.vn
Các tin khác: