Hướng dẫn các thủ tục về thuế cho doanh nghiệp mới thành lập năm 2022

Doanh nghiệp mới thành lập sẽ được hưởng một số ưu đãi về chính sách thuế, phí và lệ phí. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các thủ tục về thuế cho doanh nghiệp mới thành lập năm 2022 theo quy định pháp luật mới nhất.



1. Lệ phí môn bài
Khai lệ phí môn bài
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 8 và điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 126/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp mới thành lập tiến hành khai lệ phí môn bài như sau:
- Doanh nghiệp mới thành lập nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm thành lập
- Lệ phí môn bài được khai theo năm.
- Hồ sơ khai lệ phí môn bài: Tờ khai lệ phí môn bài (theo mẫu số 01/LPMB quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC).

Mức đóng lệ phí môn bài
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC và điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP, mức đóng lệ phí môn bài được quy định như sau:
- Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập (từ ngày 01/01 đến 31/12).
- Sau năm đầu tiên, doanh nghiệp sẽ đóng lệ phí môn bài với mức đóng như sau:
+ Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;
+ Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;
+ Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh: 1.000.000 đồng/năm.

Lưu ý: Trong thời gian được miễn lệ phí môn bài, doanh nghiệp thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài.

2. Thuế giá trị gia tăng
Cách xác định phương pháp tính thuế GTGT
Căn cứ khoản 2 Điều 13 Thông tư 219/2013/TT-BTC, phương pháp tính thuế GTGT được quy định như sau:
- Doanh nghiệp mới thành lập sẽ áp dụng phương pháp trực tiếp trên doanh thu.
- Doanh nghiệp mới thành lập sẽ áp dụng phương pháp khấu trừ nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây và đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ:
+ Doanh nghiệp đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT dưới một tỷ đồng đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ.
+ Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.
+ Doanh nghiệp mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh.

Lưu ý: Việc xác định phương pháp tính thuế GTGT không còn cần phải nộp mẫu 06/GTGT để đăng ký phương pháp tính thuế như trước đây mà sẽ căn cứ theo Hồ sơ khai thuế GTGT do doanh nghiệp gửi đến cơ quan thuế, cụ thể:
- Nếu doanh nghiệp đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì gửi Tờ khai thuế GTGT theo Mẫu số 01/GTGT, Mẫu số 02/GTGT hoặc Mẫu số 05/GTGT đến cơ quan thuế.
- Nếu doanh nghiệp đăng ký áp dụng phương pháp trực tiếp thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 03/GTGT, 04/GTGT đến cơ quan thuế.

Kỳ khai thuế GTGT
Doanh nghiệp mới thành lập được lựa chọn khai thuế GTGT theo quý trong 12 tháng đầu mới ra hoạt động kinh doanh, cụ thể phải nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
Ví dụ: Doanh nghiệp A kê khai thuế GTGT theo quý, vậy hạn chốt nộp hồ sơ khai thuế GTGT cho quý I/2022 là ngày 30/4/2022 (ngày cuối cùng của tháng đầu quý II).

3. Thuế thu nhập doanh nghiệp
Khai quyết toán thuế TNDN
Căn cứ điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp khai quyết toán thuế năm chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính, trừ trường hợp sau:
- Thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài thì khai theo từng lần phát sinh;
- Thuế thu nhập doanh nghiệp không phát sinh thường xuyên của doanh nghiệp áp dụng phương pháp tính thuế TNDN tỷ lệ trên doanh thu thì kê khai kê khai theo từng lần phát sinh hoặc theo tháng (nếu trong tháng phát sinh nhiều lần).
Các tin khác: