Chính sách thuế - phí - lệ phí, kế toán - kiểm toán có hiệu lực từ tháng 7/2022

Trong tháng 7/2022, hàng loạt chính sách mới về thuế - phí - lệ phí, kế toán - kiểm toán như bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, bổ sung phí trong chứng khoán,... có hiệu lực thi hành.

1. Từ ngày 01/7/2022, bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử
Thông tư 78/2021/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/7/2022) về hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế , Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Trong đó quy định việc sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/7/2022 như sau:
- Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư 78/2021/TT-BTC và của Nghị định 123/2020/NĐ-CP trước ngày 01/7/2022.
- Hóa đơn điện tử áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh kể từ ngày 01/7/2022. 

Riêng trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 123/2020/NĐ-CP không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử. 

Thời gian tối đa 12 tháng được tính một lần kể từ ngày 01/7/2022 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang hoạt động từ trước 01/7/2022; hoặc kể từ thời điểm đăng ký bắt đầu sử dụng hóa đơn đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới thành lập từ ngày 01/7/2022.


2. Áp dụng quy trình Quản lý tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá
Đây là nội dung tại Quyết định 568/QĐ-TCT ngày 25/4/2022 về Quy trình Quản lý tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá sản xuất để tiêu thụ trong nước do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành.

Cụ thể, từ ngày 01/7/2022, Quy trình quản lý tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá sản xuất để tiêu thụ trong nước được áp dụng thống nhất trong toàn quốc, góp phần cải cách thủ tục hành chính thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Trong đó, quy định quản lý giá tem điện tử như sau:
- Về đơn giá vốn:
+ Tổng giá vốn của từng loại TĐT là tổng giá trị đặt in của từng loại TĐT phải trả theo hợp đồng in.
+ Đơn giá vốn của từng loại TĐT là tổng giá vốn của từng loại TĐT chia cho số lượng của từng loại TĐT.

Vụ Tài vụ Quản trị - Tổng cục Thuế thực hiện:
Căn cứ hợp đồng in, nhập đơn giá vốn của từng loại TĐT vào Hệ thống Quản lý tem điện tử.

- Về giá bán TĐT:
Vụ Tài vụ Quản trị - Tổng cục Thuế thực hiện:
+ Trình Tổng cục xác định giá bán TĐT do Tổng cục Thuế phát hành để áp dụng thống nhất tại cơ quan thuế các cấp.
+ Giá bán TĐT do Tổng cục Thuế được xác định như sau:
Giá bán TĐT = Giá in + Chi phí phát hành.

Trường hợp trong năm giá đặt in một loại TĐT thay đổi, hợp đồng in TĐT mới phải lập danh mục TĐT mới và ký hiệu TĐT mới.

Quyết định 568/QĐ-TCT có hiệu lực từ ngày 01/7/2022.

3. Từ 01/7/2022, bổ sung thu phí giám sát chứng khoán phái sinh
Theo Thông tư 25/2022/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định bổ sung mức thu phí giám sát chứng khoán phái sinh so với quy định trước đó, cụ thể như sau:

- Phí giám sát chứng khoán phái sinh đối với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC): 10% doanh thu giá dịch vụ quản lý vị thế/giá dịch vụ bù trừ và giá dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ.
- Phí giám sát chứng khoán phái sinh đối với Sở Giao dịch chứng khoán: 10% doanh thu giá dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh.

Đồng thời, bổ sung quy định về lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty đầu tư chứng khoán như sau:

- Cấp mới: 30 triệu đồng/giấy phép;
- Cấp lại, điều chỉnh giấy phép: 02 triệu đồng/lần cấp; (Quy định mới bổ sung)
- Cấp giấy phép thành lập sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi công ty đầu tư chứng khoán: 02 triệu đồng/lần cấp. (Quy định mới bổ sung)

Thông tư 25/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/7/2022 và thay thế Thông tư 272/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016.

4. Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn trình độ công chức chuyên ngành kế toán, thuế
Thông tư 29/2022/TT-BTC ngày 03/6/2022 về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. 

Theo đó, từ ngày 18/7/2022, bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn trình độ công chức chuyên ngành kế toán, thuế.

Cụ thể, Thông tư 29/2022/TT-BTC yêu cầu các đối tượng sau đây khi dự thi ngạch công chức phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ, bao gồm:
- Kế toán viên cao cấp;
- Kế toán viên chính;
- Kế toán viên;
- Kiểm tra viên cao cấp thuế;
- Kiểm tra viên chính thuế;
- Kiểm tra viên thuế;
(Hiện hành, yêu cầu công chức chuyên ngành kế toán, thuế phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học)

Thông tư 29/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 18/7/2022 và thay thế Thông tư 77/2019/TT-BTC ngày 11/11/2019.
Các tin khác: